Viêm túi mật nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có nguy cơ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Thậm chí, tình trạng này còn có thể đe dọa đến tính mạng. Do đó, người bệnh nên theo dõi sát sao tình trạng gặp phải. Họ nên liên hệ ngay với bác sĩ trong trường hợp nhận thấy dấu hiệu nghi ngờ.
1. Viêm Túi Mật Là Gì?
Viêm túi mật là tình trạng túi mật bị viêm do vi khuẩn, thường xảy ra trên người bệnh có tắc nghẽn ống dẫn mật. Theo đó, nhiệm vụ chính của cơ quan này là chứa dịch tiêu hoá (dịch mật). Dịch mật sẽ được giải phóng vào ruột non, phục vụ cho quá trình phân huỷ chất béo. Tuy nhiên, nếu ống dẫn mật bị chặn, mật sẽ mắc kẹt, kích thích túi mật gây viêm. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác có thể bao gồm: vấn đề bất thường ở ống dẫn mật, khối u, nhiễm trùng…
Đề cập đến túi mật, đây là một cơ quan nhỏ, hình quả lê nằm bên phải bụng, phía dưới gan, chứa dịch mật bài tiết vào ruột non. Tình trạng viêm xảy ra nếu không được điều trị kịp thời có nguy cơ sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là thủng túi mật, gây đe dọa đến tính mạng.
2. Viêm Túi Mật Cấp Tính Do Sỏi
Tình trạng này chiếm đến khoảng 90% các trường hợp viêm túi mật. Cụ thể, dòng chảy của mật bị tắc nghẽn khiến dịch mật bị ứ lại, làm túi mật sưng to và đau.
Túi mật ban đầu vô trùng nhưng thường dễ bị nhiễm vi khuẩn. Các vi khuẩn thường gặp bao gồm E. coli, Klebsiella, Bacteroides, Staphylococcus…
Tình trạng viêm kéo dài có thể làm cho dịch mật thấm ra ngoài thành túi mật. Điều này có thể lan ra cơ quan và các cấu trúc xung quanh, gây ra các triệu chứng như cảm ứng phúc mạc hoặc co cứng thành bụng.
3. Viêm Túi Mật Mãn Tính
Tình trạng này xảy ra do viêm túi mật cấp tính lặp đi lặp lại, với nguyên nhân chính cũng là sỏi. Theo đó, viêm túi mật mãn tính có thể không có triệu chứng, cũng có thể biểu hiện như một trường hợp nghiêm trọng hơn cấp tính. Một số biến chứng có nguy cơ xuất hiện chẳng hạn như: hoại thư, thủng hoặc hình thành lỗ rò.
4. Viêm Túi Mật Không Do Sỏi
Đây là tình trạng viêm không tìm thấy sỏi trong ống dẫn mật, chiếm 5 – 10% tổng số các trường hợp. Tình trạng này liên quan trực tiếp đến tỷ lệ tử vong cao. Viêm túi mật không sỏi thường xảy ra ở những người đang bị bệnh nặng, chẳng hạn như nam giới sau phẫu thuật không chấn thương.
Theo đó, tình trạng này liên quan đến nhiều nguyên nhân khác, bao gồm: viêm mạch máu, hóa trị, chấn thương, bỏng… Triệu chứng gặp phải tương tự như viêm do sỏi. Tuy nhiên, khả năng bị vàng da thường cao hơn.
Tùy theo từng trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính để xác định kích thước bất thường và khả năng di động của túi mật.
5. Ai Có Nguy Cơ Bị Viêm Túi Mật?
Dưới đây là những đối tượng nằm trong nhóm nguy cơ cao mắc viêm túi mật:
- Nữ giới trên 50 tuổi.
- Nam giới trên 60 tuổi.
- Thừa cân.
- Tiểu đường.
- Đang mang thai.
- Mắc bệnh Crohn.
- Mắc bệnh thận giai đoạn cuối.
- Mắc bệnh tim.
- Tăng lipid máu.
- Mắc bệnh hồng cầu hình liềm.
- Người có chế độ ăn uống có nhiều chất béo và cholesterol.
6. Nguyên Nhân
Nguyên nhân phổ biến nhất viêm túi mật là do sỏi chặn đường ống dẫn mật đến ruột non, gây ứ đọng mật tại cơ quan. Tuy nhiên, đây không phải là yếu tố duy nhất, nhiều trường hợp mắc bệnh có thể do:
- Bùn túi mật: Đây là chất rắn dạng hạt tích tụ trong túi mật, thường xảy ra trong quá trình mang thai hoặc giảm cân nhanh chóng.
- Khối u chặn đường dẫn của mật: Sự phát triển khối u trong tuyến tụy hoặc gan có thể ngăn không cho dịch tiêu hoá thoát ra ngoài.
- Túi mật không có nguồn cung cấp máu tốt do mắc bệnh tiểu đường.
- Nhiễm trùng: Vi khuẩn có thể phá hỏng hệ thống dẫn lưu mật, khiến mật bị trào ngược trở lại.
7. Triệu Chứng Viêm Túi Mật
Viêm túi mật có thể gây nhầm lẫn bởi triệu chứng tương tự một số vấn đề bệnh lý khác. Người bệnh nên liên hệ ngay với bác sĩ nếu có nghi ngờ, đặc biệt là khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường sau:
- Cảm thấy đau nhói, đột ngột ở phía trên bên phải bụng (vùng hạ sườn phải).
- Cảm thấy đau ở lưng hoặc bên dưới xương bả vai phải, cảm giác này càng trở nên tồi tệ hơn khi hít thở sâu.
- Buồn nôn, nôn.
- Sốt.
- Đầy hơi.
- Vàng da hoặc vàng mắt.
- Phân lỏng và có màu nhạt.
Các triệu chứng có thể trở nên tồi tệ hơn sau khi ăn nhiều chất béo. Nếu người bệnh không cảm thấy thoải mái hoặc ngồi yên vì cơn đau quá dữ dội, hãy đến phòng cấp cứu để được xử lý kịp thời.
Xem thêm:
- Tuyến Tiền Liệt Là Gì? Giải Thích Đơn Giản Cho Người Mới
- Sỏi thận là gì? Tìm hiểu về khái niệm của sỏi thận
8. Phương Pháp Chẩn Đoán Bệnh Viêm Túi Mật
Để chẩn đoán viêm túi mật, bác sĩ sẽ:
- Xem xét tiền sử bệnh lý và khám sức khỏe: Đầu tiên, bác sĩ sẽ tìm hiểu về tiền sử bệnh lý và thực hiện khám sức khỏe.
- Xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC): Đo số lượng bạch cầu. Nếu số lượng này tăng cao, có thể do nhiễm trùng.
- Xét nghiệm chức năng gan: Kiểm tra khả năng hoạt động của gan.
- Siêu âm: Sử dụng sóng âm thanh tần số cao để tạo hình ảnh về các cơ quan nội tạng. Siêu âm giúp kiểm tra tình trạng gan, túi mật và lưu lượng máu qua các mạch máu.
- Chụp X-quang bụng: Tạo ra hình ảnh chi tiết về các mô, xương và cơ quan trong bụng. Điều này được thực hiện bằng chùm năng lượng điện từ.
- Chụp CT: Sử dụng tia X và máy tính để tạo hình ảnh chi tiết của cơ thể, bao gồm xương, cơ, mỡ và cơ quan. So với chụp X-quang, chụp CT cung cấp hình ảnh chi tiết hơn.
- Quét HIDA (chụp xạ hình mật hoặc xạ hình gan mật): Tiêm hóa chất phóng xạ vào tĩnh mạch. Sau đó, sử dụng máy quét đặc biệt để theo dõi hóa chất khi di chuyển qua các cơ quan.
- PTC (Chụp đường mật xuyên gan qua da): Sử dụng kim mỏng để tiêm thuốc nhuộm vào ống mật trong gan. Điều này giúp hiển thị hình ảnh rõ ràng trên kết quả chụp.
- ERCP (Chụp mật tụy ngược dòng qua nội soi): Dùng ống nội soi dài có đèn và camera. Ống được đưa vào miệng, xuống thực quản, qua dạ dày và vào ruột non để kiểm tra ống mật.
9. Điều Trị
9.1 Điều Trị Nội Khoa
Người bệnh thường được chỉ định nằm viện để theo dõi và kiểm soát tình trạng viêm túi mật. Các phương pháp điều trị nội khoa bao gồm:
- Ngưng ăn uống: Ban đầu, người bệnh sẽ không được ăn hoặc uống để giảm căng thẳng cho túi mật bị viêm.
- Truyền dịch: Dịch truyền vào cơ thể thông qua tĩnh mạch trên cánh tay, giúp bổ sung nước, điện giải và chất dinh dưỡng trong giai đoạn nhịn ăn.
- Uống thuốc kháng sinh: Nếu túi mật bị nhiễm trùng, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc kháng sinh.
- Thuốc giảm đau: Để kiểm soát cơn đau cho đến khi chứng viêm thuyên giảm, bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau.
- Thủ thuật lấy sỏi: Thực hiện chụp mật tụy ngược dòng nội soi (ERCP). Bác sĩ sẽ sử dụng thuốc nhuộm để làm rõ hình ảnh các ống mật, sau đó dùng dụng cụ để loại bỏ sỏi, ngăn hiện tượng tắc ống mật.
- Dẫn lưu túi mật: Khi không thể phẫu thuật cắt bỏ túi mật, dẫn lưu túi mật qua da hoặc ống soi đi qua miệng có thể được thực hiện để loại bỏ nhiễm trùng.
Các triệu chứng viêm có thể cải thiện trong vòng 2-3 ngày. Tuy nhiên, viêm túi mật vẫn có khả năng tái phát. Hầu hết các trường hợp viêm túi mật cần phải phẫu thuật cắt bỏ túi mật để điều trị dứt điểm.
9.2 Điều Trị Ngoại Khoa
Với tính trạng túi mật bị viêm, nếu các phương pháp nội khoa hoàn toàn không mang lại hiệu quả cải thiện, bác sĩ có thể sẽ chỉ định thực hiện phẫu thuật cắt bỏ. Đây là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu, với một vài vết rạch nhỏ trên bụng. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ tạo vết rạch dài nhưng tương đối hiếm.
Thời điểm phẫu thuật phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và nguy cơ chung trước những vấn đề trong và sau điều trị. Sau khi cắt bỏ túi mật, mật sẽ chảy trực tiếp từ gan vào ruột non, thay vì được lưu trữ trong túi mật như bình thường. Ngay cả khi không có túi mật, cơ thể người bệnh vẫn có thể thực hiện tiêu hóa thức ăn.
10. Bị Viêm Túi Mật Có Nguy Hiểm Không?
Tình trạng viêm túi mật nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như:
- Nhiễm trùng túi mật: Nếu mật tích tụ trong túi mật gây viêm về lâu dài có thể dẫn đến nhiễm trùng.
- Hoại thư: Viêm túi mật không được điều trị có thể khiến mô bị chết (hoại thư). Đây là biến chứng nguy hiểm nhất, đặc biệt là ở những người lớn tuổi, người đang chờ điều trị hoặc mắc bệnh tiểu đường.
- Túi mật bị thủng: Do túi mật bị sưng, nhiễm trùng hoặc chết mô.
11. Cách Phòng Ngừa
Mỗi người có thể chủ động phòng ngừa viêm túi mật thông qua một số giải pháp hữu ích như sau:
- Giảm cân từ từ: Quá trình giảm cân nên được thực hiện từ từ. Tránh vội vàng giảm nhanh chóng vì điều này có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi mật.
- Duy trì cân nặng hợp lý: Tình trạng thừa cân sẽ làm tăng nguy cơ mắc sỏi mật. Vì vậy, nên giảm lượng calo và tăng cường hoạt động thể chất mỗi ngày để duy trì mức cân nặng lý tưởng.
- Chọn một chế độ ăn uống lành mạnh: Chế độ ăn lành mạnh giúp phòng ngừa viêm túi mật. Nên tăng cường chất xơ và hạn chế chất béo. Theo đó, thực đơn nhiều rau, ngũ cốc và trái cây vẫn là gợi ý lý tưởng nhất.
Xem them
Làm thế nào để cải thiện giấc ngủ mà không cần dùng thuốc
Tham gia kênh Youtube , Facebook , Tiktok của chúng tôi để biết thêm nhiều kiến thức hữu ích.
Để hiểu rõ hơn, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc nhận tư vấn trực tiếp TẠI ĐÂY.
- Số Diện thoại: 0961219299
- Email: duocsi.ngocvt@gmail.com
Trên đây là tổng hợp tất cả các thông tin liên quan đến tình trạng viêm túi mật, nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả. Hy vọng thông qua những chia sẻ này, bạn đã có thêm nhiều cập nhật hữu ích để chủ động theo dõi, phát hiện bệnh từ sớm, nhằm hạn chế tối đa biến chứng nguy hiểm.
Nguồn: tamanhhospital.vn