Facebook Pixel

Sỏi túi mật có nguy hiểm không? Nguy cơ và biến chứng

Sỏi túi mật có nguy hiểm không? Đây là một câu hỏi quan trọng với nhiều người. Mức độ gây tổn thương của sỏi túi mật phụ thuộc vào kích thước và vị trí sỏi. Nếu không điều trị kịp thời, sỏi có thể tăng về kích thước, đi vào ống túi mật, làm ứ tắc dịch mật trong túi mật, gây ra nhiều biến chứng nặng như viêm túi mật, đường mật cấp và thậm chí có thể dẫn đến ung thư túi mật, đường mật. Do đó, bệnh cần phát hiện và can thiệp chữa trị sớm để phòng ngừa biến chứng.

Sỏi túi mật
Hình ảnh minh họa sỏi túi mật và vị trí.

Thế nào là sỏi túi mật?

Sỏi túi mật là những tinh thể rắn hình thành do quá trình tích tụ dịch tiêu hóa trong túi mật. Túi mật là một cơ quan nhỏ, hình quả lê nằm ngay dưới gan, bên phải bụng vùng dưới sườn, chứa và tiết dịch mật vào ruột non hỗ trợ cho hoạt động tiêu hóa. Kích thước sỏi mật rất đa dạng, và đây cũng là yếu tố quyết định đến mức độ gây tổn thương và tính nguy hiểm của sỏi.

Sỏi túi mật có nguy hiểm không?

Mức độ nguy hiểm của sỏi túi mật phụ thuộc chủ yếu vào kích thước, vị trí sỏi. Nếu sỏi mật có kích thước nhỏ và không chứa canxi, người bệnh chỉ cần thay đổi chế độ dinh dưỡng hoặc uống axit ursodeoxycholic để hòa tan sỏi. Tuy nhiên, thời gian dùng thuốc chỉ kéo dài tối đa 2 năm. Sỏi mật vẫn có thể tái phát nếu người bệnh ngừng điều trị.

Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, sỏi với kích thước lớn có thể ngăn chặn đường vận chuyển mật tự nhiên. Tình trạng này gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Khi đó, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để tránh biến chứng xảy ra.

Sỏi túi mật bao nhiêu mm thì nguy hiểm?

Kích thước sỏi túi mật rất đa dạng. Sỏi túi mật được hình thành khi có sự mất cân bằng giữa lượng cholesterol và muối mật trong dịch mật. Kích thước sỏi là yếu tố quan trọng trong việc xác định mức độ nguy hiểm của sỏi và cân nhắc can thiệp phẫu thuật.

Những viên sỏi dưới 4 – 6mm có thể không gây ra triệu chứng hay gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, chúng vẫn hiển thị trên các xét nghiệm hình ảnh. Một số sỏi nhỏ vẫn có thể gây tắc ống túi mật hoặc rơi xuống đường mật, gây tắc ống mật chủ. Điều này dẫn đến viêm đường mật hoặc viêm tụy cấp do sỏi mật.

Sỏi túi mật nguy hiểm không? Kích thước bao nhiêu là nguy hiểm.

Sỏi mật với kích thước trung bình, đường kính 6 – 10mm có thể xuất hiện triệu chứng rõ rệt. Nguy cơ sỏi này gây biến chứng cũng cao hơn, đặc biệt là sỏi từ 8mm trở lên. Sỏi lớn thường có đường kính trên 10mm. Phẫu thuật thường được khuyến nghị thực hiện đối với sỏi có đường kính 12 – 14mm.

Biến chứng nguy hiểm của sỏi túi mật

1 Viêm túi mật cấp

Sỏi mật ngăn chặn đường vận chuyển dịch mật tự nhiên từ túi mật xuống đường mật chính. Dịch mật tích tụ, kéo căng thành túi mật, làm cho lớp niêm mạc thành túi mật bị kích ứng. Đây là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển, khiến tình trạng viêm nhiễm trở nên nghiêm trọng hơn. Một số dấu hiệu cấp tính có thể nhận thấy bao gồm:

  • Đau dai dẳng, dữ dội ở vùng bụng trên bên phải
  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Chạm vào vùng bụng trên bên phải có cảm giác căng, đau
  • Cơn đau lan dần sang vai phải

Trong viêm túi mật cấp tính, có nguy cơ dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Mủ có thể hình thành bên trong túi mật, làm lây lan viêm nhiễm sang các cơ quan lân cận hoặc hoại tử túi mật. Nếu tình trạng viêm lan vào máu và toàn bộ cơ thể, nhiễm trùng huyết sẽ xảy ra. Khi đó, yêu cầu phải điều trị khẩn cấp để tránh tử vong. Trong một số trường hợp, viêm nhiễm có thể tự hết rồi tái phát nhiều lần. Điều này dẫn đến viêm túi mật mạn tính.

2 Viêm đường mật cấp tính

Viêm đường mật cấp tính xuất hiện với triệu chứng đau dữ dội ở vùng bụng trên, sốt, ớn lạnh và vàng da. Viêm cũng có khả năng lây lan sang các cơ quan lân cận, dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng khác.

3 Viêm tụy

Viêm tụy là biến chứng ít gặp hơn nhưng rất nghiêm trọng của sỏi túi mật. Triệu chứng phổ biến là đau dữ dội vùng bụng trên, buồn nôn, nôn, sốt. Nguyên nhân do sỏi làm bít tắc lỗ mở của ống mật, dịch tiêu hóa không thể thoát ra ngoài và tác động trực tiếp vào tuyến tụy. Bệnh có thể đe dọa đến tính mạng, đặc biệt là trong trường hợp phát hiện quá muộn hoặc không điều trị đúng cách.

4 Ung thư túi mật và ung thư đường mật

Sỏi mật làm tăng nguy cơ ung thư túi mật và ung thư đường mật. Những tình trạng này tương đối hiếm gặp nhưng vô cùng nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến tính mạng nếu phát hiện muộn hoặc điều trị sai cách. Ung thư túi mật có tiên lượng rất xấu, thường người bệnh chỉ sống được trong vòng một năm từ khi phát hiện bệnh.

Bị sỏi túi mật có nên phẫu thuật không?

Khoảng 80% các trường hợp có sỏi túi mật cần can thiệp phẫu thuật. Một số kỹ thuật được áp dụng phổ biến bao gồm:

  • Phẫu thuật nội soi cắt bỏ túi mật: Bác sĩ rạch một đường nhỏ trên da. Sau đó, sử dụng thiết bị và dụng cụ nội soi để tiếp cận và cắt bỏ túi mật.
  • Phẫu thuật truyền thống cắt bỏ túi mật: Bác sĩ rạch một vết dài khoảng 7 – 10 cm trên bụng để tiếp cận và cắt bỏ túi mật. Phương pháp này áp dụng cho những người không thể tiếp cận bằng phẫu thuật nội soi. Ví dụ như người mắc chứng rối loạn đông cầm máu, suy tim nặng hoặc đang trong giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ.

Biến chứng sau phẫu thuật cắt túi mật

Tất cả mọi phẫu thuật đều có mức độ rủi ro nhất định và phẫu thuật cắt túi mật cũng không ngoại lệ. Một số biến chứng có thể xảy ra bao gồm:

  • Chảy máu trong
  • Nhiễm trùng
  • Tổn thương các cơ quan tiêu hóa lân cận
  • Tổn thương ống mật
  • Rò rỉ mật vào khoang bụng
  • Tổn thương mạch máu
Phẫu thuật cắt bỏ túi mật
Thực hiện phẫu thuật cắt bỏ túi mật.

Chăm sóc sau phẫu thuật cắt bỏ túi mật

Người bệnh cần nghỉ ngơi nhiều nhất có thể (khoảng 3 – 5 ngày). Tránh nâng vật nặng hoặc hoạt động quá sức trong 2 tuần. Hệ thống tiêu hóa cần vài ngày để ổn định trở lại. Do đó, có thể xuất hiện một số triệu chứng như đầy hơi, đau bụng, thay đổi thói quen vệ sinh. Người bệnh không nên lo lắng. Các triệu chứng này sẽ dần mất đi sau 2 – 4 tuần cắt túi mật. Sau 7 – 10 ngày, người bệnh cần quay lại tái khám để bác sĩ xem xét tình trạng vết mổ và tốc độ phục hồi của cơ thể. Nếu xuất hiện biến chứng nghiêm trọng, bác sĩ sẽ xem xét thực hiện thêm các phẫu thuật khác nếu cần.

Lưu ý khi bị sỏi túi mật

Người bệnh cần điều chỉnh cân nặng về mức hợp lý nếu bị thừa cân. Tuy nhiên, quá trình thực hiện nên tiến hành từ từ để tránh tình trạng sỏi mật trở nên nghiêm trọng hơn. Mức giảm cân an toàn nằm trong khoảng từ 0,5 – 1kg/tuần. Ngoài ra, người bệnh nên tuân thủ một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, bao gồm:

  • Ăn ít nhất 5 phần trái cây và rau củ mỗi ngày
  • Bổ sung các loại ngũ cốc nguyên hạt vào chế độ ăn hàng ngày
  • Uống/ăn 2 – 3 phần sữa và các sản phẩm từ sữa mỗi ngày, ưu tiên sữa ít béo
  • Hạn chế ăn thực phẩm nhiều đường và giàu chất béo bão hòa như bơ, phô mai, thịt, bánh ngọt, bánh quy…
  • Thay thế chất béo bão hòa bằng nhóm thực phẩm chứa chất béo không bão hòa như hướng dương, dầu hạt cải, dầu oliu, bơ, quả hạch và các loại hạt… nhưng không nên tiêu thụ quá nhiều.
  • Uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày

Tham gia kênh Youtube , Facebook , Tiktok của chúng tôi để biết thêm nhiều kiến thức hữu ích.

Để hiểu rõ hơn, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc nhận tư vấn trực tiếp TẠI ĐÂY.

×
  • Số Diện thoại: 0961219299
  • Email: duocsi.ngocvt@gmail.com

Sỏi túi mật có nguy hiểm không? Có thể thấy rằng mức độ nguy hiểm của sỏi túi mật phụ thuộc nhiều vào kích thước và vị trí của sỏi. Việc phát hiện và điều trị kịp thời là rất quan trọng để phòng ngừa những biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra. Hãy luôn theo dõi sức khỏe và tìm kiếm sự tư vấn từ các chuyên gia y tế để có biện pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả.

Nguồn tham khảo: Tâm Anh Hospital

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *