Facebook Pixel

Sỏi amidan: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Sỏi amidan là một vấn đề khá phổ biến do nhiều nguyên nhân gây ra. Là nguyên nhân chính gây ra một số vấn đề ở người bệnh, đặc biệt là tình trạng hôi miệng. Tuy vậy, có rất nhiều cách để xử lý tình trạng sỏi amidan một cách hiệu quả.

1. Sỏi amidan là gì?

Amidan là tổ chức hạch lympho ở vùng hầu họng, có tác dụng bảo vệ cơ thể tránh sự xâm nhập của tác nhân gây bệnh. Sỏi amidan hay còn gọi là bã đậu amidan, là tình trạng xuất hiện những khối màu trắng hoặc vàng trên amidan, thường xuất hiện ở amidan khẩu cái.

Do cấu tạo amidan có nhiều hốc nhỏ, lồi lõm không đều nên khi ăn dễ bị mắc thức ăn lại tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, lắng đọng các chất cặn kết hợp lại tạo thành sỏi amidan. Khi bị sỏi amidan thường không gây nguy hiểm cho cơ thể, nhưng người bệnh thường cảm thấy khó chịu và hơi thở rất hôi. Một số trường hợp có nhiều sỏi cần điều trị trước khi sỏi phát triển quá lớn gây ra khó chịu cho người bệnh.

2. Nguyên nhân bị sỏi amidan

Các nguyên nhân gây ra sỏi amidan bao gồm:

  • Viêm mũi xoang mạn: Khi bị viêm xoang, dịch từ xoang thường xuyên chảy xuống họng, dịch nhầy này thường chứa vi khuẩn bị mắc lại các hốc của amidan, góp phần tạo thành sỏi amidan.
  • Viêm amidan mạn tính: Khi amidan thường xuyên bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh, bị viêm nhiễm mạn tính dẫn tới tình trạng amidan bị quá phát. Khi amidan to thì thức ăn cũng dễ mắc lại hơn. Ngoài ra, khi viêm nhiễm mạn tính, vi sinh vật thường xuyên cư trú ở amidan là tác nhân hình thành sỏi.

Triệu chứng của sỏi amidan gây ù tai

  • Chế độ ăn uống: Chế độ ăn uống cũng là yếu tố liên quan tới sự hình thành sỏi amidan. Thường xuyên sử dụng các chế phẩm từ sữa, chứa nhiều canxi tham gia vào quá trình tạo sỏi. Hút thuốc lá và uống rượu bia cũng là yếu tố nguy cơ gây hình thành sỏi.
  • Vệ sinh răng miệng kém: Một phần nguyên nhân tạo sỏi là do thức ăn bị mắc kẹt lại các hốc trong amidan. Nếu không vệ sinh răng miệng sạch sẽ, thức ăn này sẽ tích tụ lại, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây hình thành sỏi.
  • Các tác nhân dị ứng: Trên một người có cơ địa dị ứng, khi tiếp xúc với dị nguyên cũng làm cơ thể phản ứng lại, làm tăng tiết dịch. Các dịch này tích tụ lại amidan gây sỏi.

3. Triệu chứng

Khi bị sỏi amidan, có thể xuất hiện các triệu chứng sau:

  • Hơi thở có mùi hôi: Đây là dấu hiệu phổ biến nhất khi bị sỏi. Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể gặp sỏi amidan, phát triển mạnh và dẫn đến hậu quả amidan bị viêm, sưng. Trong quá trình phát triển, vi khuẩn khi tiêu hóa sỏi sẽ thải ra khí sulfur có mùi thối đặc trưng, khiến hơi thở nặng mùi.
  • Đau họng: Sỏi có thể gây ra đau và khó chịu ở họng, đặc biệt là tại vị trí có sỏi.
  • Các thay đổi trên amidan: Xuất hiện các chấm trắng trên mặt amidan, các chấm trắng có thể là sỏi amidan. Tuy nhiên, cũng có trường hợp không thấy sỏi vì sỏi ẩn trong nếp gấp của amidan. Khi đó, sỏi  được phát hiện nhờ các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh. Amidan bị sưng to do sự phát triển của sỏi và do sự tấn công của vi sinh vật gây viêm.
  • Khó nuốt: Tùy vào vị trí và kích thước của sỏi, nhất là những trường hợp sỏi to thường gây khó khăn hoặc đau cho người bệnh khi thực hiện động tác nuốt.
  • Đau tai, ù tai: Dù sỏi không có liên quan gì tới tai, nhưng do sự liên kết thần kinh kết nối với nhau nên gây ra phản xạ đau tai, ù tai. Nhất là trong các trường hợp sỏi to.

Triệu chứng của sỏi amidan gây ù tai

Xem thêm:

4. Cách điều trị sỏi amidan

Khi sỏi còn nhỏ, không gây triệu chứng gì quá khó chịu, có thể sử dụng một số biện pháp giúp loại bỏ sỏi tại nhà như:

  • Súc miệng, súc họng bằng nước muối sinh lý: Khi súc miệng bằng nước muối sinh lý, các thành phần chất kết sỏi không bị lắng cặn nữa, cũng làm hạn chế sự phát triển của vi khuẩn. Ngoài ra, khi súc họng bằng nước muối giúp người bị viêm đau họng giảm các triệu chứng đau họng, giảm nhiễm khuẩn.
  • Uống nhiều nước: Uống nhiều nước là một cách khá hiệu quả để điều trị sỏi. Việc uống nhiều nước có tác dụng giúp sỏi nhỏ ra, tránh sự tích tụ hình thành sỏi trong amidan.
  • Tăng cường vitamin C: Tăng ăn, uống các thực phẩm giàu vitamin C có thể hỗ trợ loại bỏ tình trạng kết sỏi amidan.

Tuy nhiên, một số trường hợp sỏi quá to, gây ra các triệu chứng làm người bệnh khó chịu, cần khám và điều trị tại cơ sở y tế. Các biện pháp điều trị bao gồm:

  • Dùng thuốc kháng sinh: Kháng sinh thường được dùng để ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn liên quan đến quá trình gia tăng kích thước của sỏi hoặc khi viêm kèm theo do nhiễm khuẩn. Tuy vậy, kháng sinh có nhiều tác dụng không mong muốn nên không dùng kéo dài.
  • Can thiệp để lấy sỏi amidan: Dùng dụng cụ để gắp sỏi, rạch amidan để lấy sỏi…
  • Phẫu thuật cắt amidan: Được chỉ định khi sỏi là quá lớn và có triệu chứng làm người bệnh rất khó chịu. Phẫu thuật cắt amidan thường diễn ra khá đơn giản, người bệnh nhanh chóng phục hồi.

5. Cách phòng tránh

Chúng ta có thể chủ động phòng tránh sỏi và bệnh viêm amidan bằng các biện pháp sau:

  • Tránh mắc bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên: Tránh tiếp xúc với nguồn bệnh, hạn chế tiếp xúc với chất ô nhiễm ở ngoài môi trường, tiêm phòng vắc-xin đầy đủ.
  • Thường xuyên vệ sinh họng, miệng: Mỗi ngày vệ sinh họng, miệng bằng nước muối sinh lý.
  • Khám sớm: Khi có các dấu hiệu nghi ngờ cần khám để được điều trị sớm.
  • Tập thể dục: Tập thể dục mỗi ngày và ăn uống lành mạnh giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể, hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
  • Điều trị kịp thời: Khi sỏi amidan gây ra các triệu chứng làm ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh, nên đến cơ sở y tế khám và xử lý sỏi, tránh để lâu gây ra biến chứng.

Tham gia kênh Youtube , Facebook , Tiktok của chúng tôi để biết thêm nhiều kiến thức hữu ích.

Để hiểu rõ hơn, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc nhận tư vấn trực tiếp TẠI ĐÂY.

×
  • Số Diện thoại: 0961219299
  • Email: duocsi.ngocvt@gmail.com

Nguồn: Vinmec.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *